Sáp nhập Đắk Lắk, Phú Yên: Tuyến đường tuyệt đẹp nào nối Tây Nguyên với biển mà không phải vượt đèo?
Trong bối cảnh Đắk Lắk và Phú Yên đang từng bước triển khai chủ trương sáp nhập tỉnh, Quốc lộ 29 – tuyến đường duy nhất kết nối Tây Nguyên với biển Đông mà không phải vượt đèo – đang trở thành trục giao thông chiến lược, giữ vai trò then chốt trong việc liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Quốc lộ 29 dài gần 300km, là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuyến đường bắt đầu từ cảng Vũng Rô (Phú Yên), cửa ngõ quan trọng ra biển Đông và kết thúc tại cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk), nối liền vùng duyên hải với cao nguyên.
Đặc biệt, Quốc lộ 29 là tuyến đường bộ duy nhất hiện nay nối Tây Nguyên với biển mà không phải vượt đèo, giúp phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, giảm thời gian và chi phí vận chuyển.

Trong khi đó, các tuyến đường khác nối Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung như Quốc lộ 19 (nối Gia Lai với Bình Định), Quốc lộ 26 (nối Đắk Lắk với Khánh Hòa), hay Quốc lộ 24 (nối Kon Tum với Quảng Ngãi)... đều phải vượt qua các đèo lớn như đèo An Khê, đèo Vi Ô Lắc, đèo Phượng Hoàng gây khó khăn cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

Ngoài vai trò liên vùng, Quốc lộ 29 còn kết nối hàng loạt trục giao thông chiến lược như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, cùng các tuyến tỉnh lộ quan trọng ở hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk.
Tuyến đường cũng liên thông các đầu mối giao thông lớn: cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, cửa khẩu, tạo nên mạng lưới vận tải đa phương thức hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, theo UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, tuyến Quốc lộ 29 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn hẹp, cong gấp, mặt đường hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng cao, đặc biệt là khi hàng loạt khu đô thị, điểm du lịch, khu công nghiệp, vùng nguyên liệu đang hình thành và mở rộng dọc tuyến.
Cùng với đó, áp lực giao thông gia tăng nhanh chóng, trong khi kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Trước thực trạng này, lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã thống nhất đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 đoạn từ Km31+300 (giao quốc lộ 1, thị xã Đông Hòa, Phú Yên) đến điểm giao quốc lộ 14 (Km178+062, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), tổng chiều dài gần 147km.

Dự án nâng cấp hướng tới tiêu chuẩn đường cấp III, tốc độ thiết kế 60-80km/h, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 20,5m.

Đây sẽ là một trong những tuyến trục ngang chiến lược của hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối “rừng” với “biển”, đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây.
Tuyến đường Quốc lộ 29 nối Đắk Lắk với Phú yên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn khi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dọc theo tuyến ngày càng nhanh.
Ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: “Việc đầu tư Quốc lộ 29 không chỉ phục vụ giao thông, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng và đảm bảo quốc phòng – an ninh”.
Kết cấu mặt đường Quốc lộ 29 nối Đắk Lắk với Phú Yên, chủ yếu là bê tông nhựa được đầu tư đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay nhiều vị trí đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Ngày 18/4, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã họp, thống nhất và có văn bản trình Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29.

Ngoài quốc lộ 29, hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên cũng đã có tờ trình kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) triển khai tuyến cao tốc Đắk Lắk - Phú Yên.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 220km, bắt đầu từ cảng biển Bãi Gốc (Phú Yên) và kết thúc tại cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk), với quy mô từ 2 - 4 làn xe.

Tuyến cao tốc sẽ kết nối trực tiếp với các trục giao thông trọng yếu như quốc lộ 1, quốc lộ 29, quốc lộ 14, quốc lộ 14C, cao tốc Bắc - Nam phía đông và đường Trường Sơn Đông.

Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông giữa nam Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Bên cạnh đó, UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên cũng kiến nghị đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.

Tuyến đường sắt này có tổng chiều dài khoảng 169km, sẽ kết nối khu vực Tây Nguyên với các cảng biển miền Trung.

Dự án này không chỉ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ mà còn thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tạo động lực cho việc giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa hai khu vực.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII), tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên dự kiến sẽ hợp nhất thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, với tên gọi là tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức hội nghị nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh.

Theo kế hoạch, Hội đồng nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sẽ tiến hành xem xét và biểu quyết thông qua nội dung Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh trong tháng 4.

Dự kiến, đến ngày 29/4, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ trình Chính phủ Đề án này để xin ý kiến phê duyệt.