Sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng.
Tính sơ bộ, dự án cần sử dụng khoảng 2.632 ha đất. Quy mô đầu tư toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa. Tốc độ thiết kế 160 km/giờ đối với tuyến chính (đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng), tốc độ thiết kế 120 km/giờ đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/giờ đối với các đoạn tuyến còn lại.
Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km. Tuyến đường đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tiến độ thực hiện dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.
Dự án tạo tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng góp phần cụ thể hóa quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Việc xây dựng tuyến đường sắt mới nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hướng tuyến bắt đầu từ ranh giới với tỉnh Hưng Yên, vượt qua quốc lộ 38 tránh khu dân cư Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), vượt khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, quốc lộ 5 và sông Sặt, sau đó đi vào trục quy hoạch đường sắt qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, đến vị trí đặt ga Bình Giang.
Ra khỏi ga Bình Giang, tuyến đi về hướng đông nam qua đường tỉnh 395, 394 qua sông Đình Đào tới địa phận xã Yết Kiêu (Gia Lộc) và đến ga Hải Dương Nam.
Tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt trên quốc lộ 38B, nút giao quốc lộ 38B với đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 37. Sau đó, rẽ trái tạo đường cong vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt đường tỉnh 391 đến ga Tứ Kỳ.
Ra khỏi ga Tứ Kỳ, tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Thanh Hà là hết địa phận tỉnh Hải Dương.
Theo quy hoạch, ga Bình Giang nằm ở xã Hùng Thắng. Đây là ga hỗn hợp với 6 đường đón tiễn, 1 đường xếp dỡ, tác nghiệp hàng hóa và hành khách, có diện tích 10,5 ha. Trong tương lai, ga này được quy hoạch thành ga liên vận quốc tế. Ga Bình Giang nằm gần khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, khu trung tâm logistics Hùng Thắng theo quy hoạch của tỉnh, gần đường tỉnh 394, 395, 394B thuận lợi cho kết nối đường bộ.
Ga Hải Dương Nam nằm ở thị trấn Gia Lộc, quốc lộ 38B, là ga hỗn hợp với 7 đường đón tiễn, 2 đường xếp dỡ, tác nghiệp hành khách và hàng hóa với diện tích 10,5 ha. Vị trí ga nằm gần cụm công nghiệp Yết Kiêu, khu cảng cạn Gia Lộc, bến xe Gia Lộc, gần các trục đường tỉnh 394B (vành đai 2 quy hoạch), đường tỉnh 393, 395, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuận lợi kết nối đường bộ.
Ga Tứ Kỳ nằm tại xã Chí Minh (Tứ Kỳ) là ga kỹ thuật với 3 đường đón tiễn, tác nghiệp nhường tránh, diện tích 5,3 ha. Vị trí ga nằm gần với khu công nghiệp Hưng Đạo quy hoạch, bến xe Tứ Kỳ, nằm gần với đường tỉnh 391, đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuận tiện kết nối với giao thông thủy nội địa trong tương lai.