Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã/ phường và cấp tỉnh những ngày qua đã và đang trở thành dòng thời sự chủ lưu. Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí để đánh giá sáp nhập tỉnh, những vấn đề như: tên gọi, trung tâm hành chính mới… nên được quyết định như thế nào đang được bàn luận rất sôi nổi. Lợi thế của từng tỉnh như hệ thống sân bay, cảng biển… cũng được đặt lên bàn cân để so sánh.
Xoay quanh những vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, KTS-Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
Khi vấn đề sáp nhập tỉnh “nóng” lên, rất nhiều người đã nhìn lại cách phân chia tỉnh/ thành của Việt Nam trong quá khứ. Khi nước ta từng chỉ có trên 30 tỉnh/ thành. Là một chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, phát triển đô thị, ông có đánh giá gì về những cách phân chia cũ?
Ông Trần Ngọc Chính: Tôi cho đó là những vấn đề để tham khảo. Trước kia, nước có bao nhiêu triệu dân, bây giờ đã hơn trăm triệu dân thì câu chuyện khác nhau rất xa rồi. Khi sáp nhập thì phải nhìn nhận lại sự phát triển của đất nước về mọi mặt, nhìn sang các nước trong khu vực và cả trên thế giới.
Tiền đề cho sự sáp nhập này, thứ nhất là điều kiện đất nước đã thay đổi từ kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ đến điều kiện quản lý hành chính. Thứ hai là quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng đã thay đổi…
Chúng ta cần sáp nhập lại để có một đơn vị hành chính đủ lớn về mặt dân số, diện tích, từ đó có điều kiện thúc đẩy phát triển thì đây là chuyện được Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghiên cứu kỹ. Vấn đề bây giờ là làm như thế nào cho hiệu quả.
Để sáp nhập hiệu quả, tiêu chí đã được nêu ra trong KL127 và gần đây Thủ tướng cũng đã lưu ý 5 vấn đề lớn là: diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa và khả năng bổ sung, hỗ trợ cho nhau để phát triển. Ngoài những vấn đề đó, theo ông, ta cần bàn thêm các vấn đề nào khác?
Ông Trần Ngọc Chính: Song song với việc sáp nhập tỉnh, nước ta sẽ chính thức bỏ cấp quận/ huyện. Đây cũng là vấn đề rất lớn mà những ngày này, cá nhân tôi và Hội Quy hoạch đang bàn luận rất sôi nổi. Hệ thống đô thị Việt Nam sẽ ra sao sau khi bỏ cấp quận/ huyện. Và khi đã bỏ đi như vậy thì phải tính toán, sáp nhập làm sao cho phù hợp. Chúng ta phải tính đến cả bài toán đó.
Về đề dân số, diện tích… thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lưu ý rồi. Nhưng chúng ta còn phải xét theo điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Cả nước có 6 vùng kinh tế là: Trung du vùng núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam bộ và Tây Nam bộ…. Phải dựa trên cơ sở kinh tế, an ninh quốc phòng và những vấn đề về văn hoá, lịch sử… để sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, có hai vấn đề rất “nóng” khác cần quan tâm. Thứ nhất, khi sáp nhập tạo tỉnh mới thì nên đặt trung tâm hành chính nằm ở đâu. Ví dụ, ngày xưa Hà Nam Ninh là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định chung một tỉnh thì trung tâm nằm ở Nam Định. Hay Hà Bắc gồm Bắc Ninh Với Bắc Giang thì Bắc Giang là Thủ phủ. Vì thời đó, Bắc Giang phát triển hơn. Nhưng sau khi tách ra thì Bắc Ninh lại phát triển rất mạnh.
Như vậy, trung tâm hành chính mới có thể đặt ở đô thị phát triển nhất trong số các tỉnh nhập lại với nhau. Nhưng liệu như vậy đã đủ chưa? Các tỉnh tới đây có suy tính thế nào về việc chọn trung tâm hành chính mới, liệu có nên lựa chọn đô thị phát triển nhất làm Thủ phủ hay không? Chuyện đó phải đặt ra ngay từ bây giờ chứ không thể cứ sáp nhập mà chưa biết trung tâm nằm ở đâu. Theo tôi biết, các cấp lãnh đạo cũng đã đặt ra vấn đề này rồi.