Sáp nhập tỉnh, đặt trụ sở trung tâm hành chính - chính trị ở đâu, tiêu chí như thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị cho rằng khi sáp nhập tỉnh, việc chọn tên và lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị phải được tính toán kỹ, đảm bảo cho cán bộ, người dân thuận tiện và có khả năng mở rộng không gian phát triển.
Phải chọn trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập tỉnh
Ủng hộ việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc đặt trung tâm hành chính – chính trị, chọn "thủ phủ" ở đâu sau khi sáp nhập là vấn đề "nóng" được cán bộ và nhân dân quan tâm.
Việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập. Trong ảnh: Một góc TP.Hà Nội. Ảnh: Danviet.vn
Dẫn câu chuyện, trước đây Hà Nam Ninh là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định chung một tỉnh thì trung tâm nằm ở Nam Định. Hay Hà Bắc gồm Bắc Ninh với Bắc Giang thì Bắc Giang là thủ phủ. Vì thời đó, Bắc Giang phát triển hơn, nhưng sau khi tách ra thì Bắc Ninh lại phát triển rất mạnh.

Ông Chính cho rằng, trung tâm hành chính mới có thể đặt ở đô thị phát triển nhất trong số các tỉnh nhập lại với nhau.
"Nhưng liệu như vậy đã đủ chưa? Các tỉnh tới đây có suy tính thế nào về việc chọn trung tâm hành chính mới, liệu có nên lựa chọn đô thị phát triển nhất làm thủ phủ hay không? Chuyện đó phải đặt ra ngay từ bây giờ chứ không thể cứ sáp nhập mà chưa biết trung tâm nằm ở đâu. Theo tôi biết, các cấp lãnh đạo cũng đã đặt ra vấn đề này rồi", ông Chính cho hay.

Theo ông Chính, chọn trung tâm hành chính - chính trị sau khi sáp nhập tỉnh, vị trí địa lý là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn làm "thủ phủ".

Khu vực này phải ở vị trí trung tâm nằm ở giữa các tỉnh được sáp nhập lại với nhau, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân và giao thương trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và hàng không.

Chúng ta cũng phải xem xét đến hiện trạng trụ sở của các tỉnh, thành hiện tại như thế nào. Nếu địa phương đã có trung tâm hành chính được xây dựng và đang phát huy tác dụng hoặc đã có quy hoạch thì nên ưu tiên.
KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng.
Ông Chính cũng cho rằng, việc lựa chọn nơi đặt trung tâm hành chính – chính trị phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của cán bộ công chức trong địa phương và tính đến giá trị lịch sử, văn hóa để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển, vừa bảo đảm tính kế thừa và sự phù hợp.
"Thực tế, rất nhiều địa phương đã xây dựng các khu trung tâm hành chính mới rất hiện đại, khang trang (ví dụ như trung tâm hành chính Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…). Nếu sáp nhập mà không tận dụng được thì có phải là lãng phí hay không? Vậy thì phải có tiêu chí như thế nào, để nghiên cứu trung tâm hành chính mới phải giúp phát huy tiềm lực. Cá nhân tôi có đề xuất như đã nêu. Còn tất nhiên, việc quyết định phải là ở các cấp có thẩm quyền", ông Chính nêu quan điểm và nhấn mạnh cuộc sáp nhập này mang tính lịch sử. Bởi thế, cần phải nghiên cứu rất sâu, rất khoa học và toàn diện.

Là người chứng kiến nhiều lần chia tách, sáp nhập tỉnh, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị ở đâu khi sáp nhập tỉnh luôn là vấn đề được người dân, cán bộ, công chức quan tâm bởi những tác động về nơi sinh sống, làm việc, học tập của con em.

Theo ông Nguyễn Túc, nhiều cán bộ, công chức đang có nhà cửa sinh sống ổn định, nay sáp nhập tỉnh, chuyển trung tâm hành chính về nơi khác thì có khi họ cũng phải chuyển gia đình theo, dẫn đến nhiều tác động. "Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án đặt trung tâm hành chính phù hợp và sớm công bố để các cán bộ, công chức biết để sắp xếp nơi sinh sống cho phù hợp", ông Túc nói.
Trụ sở trung tâm hành chính - chính trị TP.Hà Nội được đặt ở quận Hoàn Kiếm, mặt chính nhìn thẳng ra Hồ Gươm. Ảnh: Ngọc Hải.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, phải cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể. Quan trọng nhất là "thủ phủ" mới được chọn phải là khu vực trung tâm, thuận tiện nhất để người dân, du khách đi lại. Đồng thời, phải tính đến giá trị lịch sử, văn hóa để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển, vừa bảo đảm tính kế thừa, phù hợp. "Việc này cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng cư dân".

Cho rằng, phần lớn trung tâm hành chính - chính trị của các tỉnh hiện nay nằm ở các khu vực trung tâm tỉnh lỵ, thuộc quận trung tâm, hoặc khu vực thành phố, thị xã... thuận lợi cho việc đi lại, tuy nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội lưu ý, có những tỉnh, thành do yếu tố lịch sử để lại nên trung tâm hành chính - chính trị nằm ở khu vực đông đúc, không thuận tiện cho việc đi lại, cũng như sự phát triển.

"Do đó, khi nghiên cứu phương án lựa chọn 'thủ phủ' khi sáp nhập tỉnh, không nhất thiết cứ phải chọn trung tâm hành chính - chính trị ở tỉnh lớn hoặc tỉnh nhỏ, mà phải căn cứ vào những yêu cầu của sự phát triển khi thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy", ông Nghiêm nói và cho rằng, hiện nay trong quy hoạch tổng thể quốc gia với 6 vùng kinh tế đã xác định các khu vực nào là trung tâm, động lực, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất. Do đó, có thể căn cứ vào các bản quy hoạch đó để xem xét lựa chọn "thủ phủ" mới của tỉnh khi sáp nhập và căn cứ vào loại đô thị, tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đơn vị hành chính, yêu cầu phát triển đô thị để lựa chọn "thủ phủ" khi sáp nhập.

Đặt tên gọi cho tỉnh mới như thế nào?

Về việc sau khi sáp nhập, thành lập trung tâm hành chính – chính trị mới thì tên gọi như thế nào, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định "đây là vấn đề rất lớn", tuy nhiên "những cái tên đã là thương hiệu với quốc tế, với người dân thì sau khi nhập tỉnh nên giữ lại". Ví dụ, Cà Mau là cực Nam của Tổ quốc thì dù sao cũng nên giữ lại cái tên này. Tương tự với Hà Giang cũng thế.

"Gần đây, khi bỏ cấp quận/huyện, nhiều người lo không còn cái tên Hoàn Kiếm nữa. Tôi nghĩ Hoàn Kiếm, Ba Đình là những cái tên gắn với lịch sử, văn hoá và truyền thống, rất cần giữ lại dù có thể sau này, đó sẽ là tên đặt cho đơn vị cơ sở", ông Chính nói và nhấn mạnh, tên gọi rất quan trọng, vì nó thể hiện thương hiệu của địa phương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng dẫn chứng, trước kia, khi chọn tên cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thì đã có quyết định. Vấn đề này cũng có ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc lấy tên Huế. Vì Huế là thương hiệu với cả thế giới, trong khi nếu có thêm tên "Thừa Thiên Huế" thì chưa chắc quốc tế đã biết tới TP.Huế.

Hay giống như chuyện nhập Hà Tây vào Hà Nội trước đây. Hà Tây là vùng có bề dày văn hoá, nổi tiếng với Xứ Đoài. Sau này, khi nhập vào Hà Nội thì không còn tên Hà Tây nữa nhưng mọi chuyện cũng ổn thoả và văn hoá Xứ Đoài thì người ta vẫn nhớ. "Cho nên đặt ra vấn đề tên của địa phương là rất đúng và sau này, các nhà chức trách, những người làm văn hoá lịch sử nên có sự lựa chọn phù hợp", ông nói.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, người dân từng tỉnh, thành luôn có mong muốn giữ gìn được tên gọi, giá trị ký ức và lưu giữ những địa danh quen thuộc, những địa danh mà tổ tiên để lại. Tuy nhiên, việc đặt tên cần lưu ý là vừa phải gợi nhớ quá khứ nhưng cũng cần gắn với hiện đại và nhu cầu phát triển. Vì vậy, vấn đề này cần được bàn thảo kỹ lưỡng và có các tiêu chí cụ thể, có thể lấy ý kiến nhân dân.

Theo: https://danviet.vn/sap-nhap-tinh-dat-tru-so-trung-tam-hanh-chinh-chinh-tri-o-dau-tieu-chi-nhu-the-nao-20250316050436636.htm