Đặc biệt, ca khúc “Sự nghiệp chướng” của Pháo với nội dung công kích cá nhân, ngôn từ phản cảm đã thu về hàng triệu lượt nghe, biến ồn ào đời tư thành lợi nhuận kếch xù.
Đáng ngại hơn, “Sự nghiệp chướng” của rapper Pháo đã nhanh chóng trở thành hiện tượng nhờ tận dụng tối đa hiệu ứng drama, nhưng bài hát này cũng đặt ra cho dư luận nhiều vấn đề về thuần phong mỹ tục và trách nhiệm nghệ sĩ.
Đặc biệt bài hát này đã sử dụng những ca từ đầy tính công kích, ngôn ngữ chợ búa, thiếu chuẩn mực văn hóa và có dấu hiệu kích động hận thù, xúi giục mâu thuẫn như: “Yêu đương như thế thì có ngày tao tát cho một phát là đi vào viện Răng - Hàm - Mặt, khoa Chấn thương - Chỉnh hình, răng môi mày lẫn lộn trộn vào với nhau. Tao ra đi trong yên lặng thì mày khôn hồn mày sống cho đàng hoàng tử tế. Đừng có để tao gặp cái mặt mày thêm một lần nào nữa”...
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Trước thực trạng này, luật sư Ma Văn Giang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có). Trước tiên, cần xác minh có hay không việc cố tình dàn dựng drama để thao túng dư luận, trục lợi từ truyền thông “bẩn” hay không.
Nếu có bằng chứng cho thấy đây là một chiến dịch có tổ chức, các bên liên quan có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi cung cấp thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét việc xử lý bài hát “Sự nghiệp chướng” theo các quy định hiện hành về kiểm duyệt nội dung. Nếu bài hát này vi phạm các tiêu chí về văn hóa, đạo đức, cần có biện pháp yêu cầu gỡ bỏ để tránh ảnh hưởng tiêu cực.
Bởi, bài hát “Sự nghiệp chướng” đã ít nhiều có tác động tiêu cực đến giới trẻ khi cổ súy cho văn hóa công kích, sử dụng ngôn từ thô tục và làm xói mòn chuẩn mực ứng xử. Việc bài hát này dễ dàng leo lên top trending cho thấy một lỗ hổng trong quản lý nội dung trực tuyến, khi những sản phẩm kém lành mạnh vẫn có thể tiếp cận hàng triệu khán giả mà không bị kiểm soát.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sử dụng mạng xã hội để công kích, bôi nhọ người khác, biến không gian mạng thành nơi đấu tố vô tội vạ như các trường hợp thể này.
Có thể nói, vụ lùm xùm giữa hotgirl Ngọc Kem, ViruSs và Pháo không đơn thuần là một câu chuyện cá nhân, mà còn phản ánh thực trạng đáng báo động của truyền thông số hiện nay. Khi mạng xã hội trở thành “chiến trường” của những màn đấu tố, khi drama được dùng làm công cụ kiếm tiền, khi nghệ thuật bị biến thành công cụ gây hấn, thì trách nhiệm không chỉ thuộc về những người trong cuộc mà còn thuộc về xã hội và các cơ quan quản lý.
Đã đến lúc cần mạnh tay với các chiêu trò truyền thông “bẩn”, bảo vệ không gian mạng lành mạnh và giữ gìn những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Một nền giải trí phát triển không thể dựa trên những chiêu trò giật gân mà phải đặt nền tảng trên sự trung thực, sáng tạo và tôn trọng khán giả.
Đặc biệt với hàng triệu người thức đêm để xem người khác cãi nhau trên mạng xã hội thì đó không còn là một “drama nhỏ” mà là một “biểu hiện lớn của sự khủng hoảng chuẩn mực xã hội trong thời đại số” cần được mạnh tay loại bỏ. Việc cổ vũ, “thả tim”, xem livestream cãi vã như một show truyền hình thực tế là biểu hiện của sự xuống cấp trong hệ chuẩn đạo đức đã đến mức báo động hiện nay.