Đăk Lăk là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, với khoảng 38.800 ha, sản lượng xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Người thân của Thư và Dũng cũng tham gia chế biến, mua bán nông sản này. Thấy mọi người gặp khó khi tách vỏ sầu riêng bằng tay, cả hai nghĩ đến chế tạo một chiếc máy bán tự động, vào năm ngoái.
Tháng 5/2024, công cụ được thành hình. Tuy nhiên, mỗi lần thử nghiệm, máy đều phát sinh lỗi. Theo hai học sinh, thách thức với các em là làm sao thiết kế được lưỡi tách chính xác, tách vỏ hiệu quả mà không ảnh hưởng đến phần thịt sầu riêng. Để giải quyết, các em đã nghiên cứu và thiết kế bốn loại mũi tách khác nhau, mang thử nghiệm thực tế để đánh giá hiệu quả của từng loại.
Sau nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh, nhóm hoàn thiện máy với chiều cao 100cm, rộng 50 cm; trung bình một giờ tách được 75 quả sầu riêng. Tổng chi phí là 9 triệu đồng, gồm vật tư như sắt thép, inox, động cơ ben điện, mạch điện điều khiển rơ le, cảm biến, chi phí gia công và cắt laze...
Theo Anh Thư, máy có thể giúp giảm sức lao động thủ công, tăng năng suất và an toàn hơn so với phương pháp tách vỏ truyền thống. Em tâm đắc vì đã cải tiến được thiết kế lưỡi tách, hạn chế hao hụt phần thịt của sầu riêng.