Khi xây dựng phương án sáp nhập tỉnh có nên sáp nhập các tỉnh lại như cũ không, hay là nghiên cứu phương án mới cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển mới?
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 12/3, về nguyên tắc và tiêu chí sắp xếp, Thủ tướng yêu cầu ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số cần xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng...
Về tên gọi các tỉnh thành sau sáp nhập cũng là yếu tố được quan tâm.
Thủ tướng lưu ý việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Việc này nhằm đảm bảo tăng cường hơn nữa thẩm quyền, nêu cao tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương. Chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc cho dân thuận lợi hơn; mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn.
Chứng kiến nhiều giai đoạn sáp nhập tỉnh, thành kể từ năm 1976 đến nay, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, qua lắng nghe ý kiến Nhân dân cho thấy, hầu hết mọi người đều ủng hộ chủ trương sắp xếp tỉnh, bỏ cấp huyện và giảm số lượng cấp xã nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo ra không gian phát triển mới rộng hơn, tránh tình trạng manh mún, chia cắt, thiếu tính liên kết.
“Trước đây, chúng ta có nhiều tỉnh rộng lớn cả về diện tích và dân số như Hà Nam Ninh sau đó lại tách ra thành 3 tỉnh là: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Hay tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng sau lại tách ra thành hai tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam. Tương tự, tỉnh Bình Trị Thiên cũng rất rộng nhưng sau lại tách ra thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Vậy tới đây, khi xây dựng phương án sáp nhập tỉnh có nên sáp nhập các tỉnh lại như cũ không, hay là nghiên cứu phương án mới cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển mới? Nếu sáp nhập các tỉnh như cũ thì tên gọi là gì, rồi trung tâm tỉnh sẽ đặt ở đâu? Tất cả những cái đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Túc nói và cho rằng, sáp nhập tỉnh là vấn đề rất lớn cần tham khảo hoặc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về định hướng phương án sáp nhập các tỉnh, thành nhằm tạo sự đồng thuận.
Khôi phục lại tên gọi đã từng dùng trong quá khứ...
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng người dân từng tỉnh thành luôn có mong muốn giữ gìn được tên gọi, giá trị ký ức và lưu giữ những địa danh quen thuộc, những địa danh mà tổ tiên để lại là chính đáng.
Song việc đặt tên cần lưu ý là vừa phải gợi nhớ quá khứ nhưng cũng cần gắn với hiện đại và nhu cầu phát triển.
Còn GS.TS Võ Đại Lược (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới) cho rằng trước đây khi nhập các tỉnh thành, có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như Bắc Thái, Cao Lạng, Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Hoàng Liên Sơn, Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình, Phú Khánh…