Hiện nay, Sở Giao thông công chánh TP.HCM đã phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải – CTCP (TEDI) nghiên cứu sơ bộ phương án tuyến đường ven biển phía Nam trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, có 3 phương án được đưa ra.
Phương án 1: Giai đoạn 1 tổng mức đầu tư 31.556 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (hoàn thiện 8 làn xe) có tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng. Đây là phương án được tư vấn đề xuất lựa chọn.
Phương án 2: Điểm đầu kết nối với đường ven biển TP.HCM và điểm cuối kết nối đường ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ.
Phương án này giúp rút ngắn hành trình khoảng 40 km so với quy hoạch ban đầu nhưng tổng vốn hơn 55.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn lên tới 62.231 tỷ đồng.
Phương án 3: Giai đoạn 1 đầu tư tuyến chính và đường vào cảng Cái Mép. Tuyến này giúp rút ngắn hành trình khoảng 32 km so với quy hoạch ban đầu. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cũng tăng cao so với phương án 1. Dự kiến tổng mức đầu tư cho phương án là 42.275 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 35.400 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 6.400 tỷ đồng).
Sở Giao thông công chánh Thành phố cho biết đã gửi kết quả sơ bộ các phương án này đến Sở Xây dựng Thành phố để chủ trì phối hợp với liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 để hoàn thiện phương án.
Đồng thời, các đơn vị sẽ làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu để thống nhất các vị trí đấu nối và các nội dung liên quan. Từ đó, làm cơ sở cập nhật tuyến đường ven biển phía Nam Thành phố vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và các Đồ án quy hoạch chung của các tỉnh theo quy định.
Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng đã xác định đường ven biển là một trong những hướng phát triển hệ thống giao thông địa phương. Trong đó gồm một phần tuyến đường ven biển phía Nam đi qua địa bàn TP.HCM.
Tuyến đường ven biển phía Nam dài khoảng 941 km. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài khoảng 45,5 km. Đoạn qua Tiền Giang dài khoảng 31 km, với mức vốn đầu tư dự kiến 5.591 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Tiền Giang đang lập chủ trương đầu tư theo nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 78 km, hiện đang được nâng cấp, mở rộng và dự kiến hoàn thành vào quý 3 năm nay.
Việc xây dựng tuyến đường ven biển này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, du lịch và phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển cảng biển, logistics và các khu công nghiệp ven biển.