“Chất lượng cán bộ xã bây giờ phải tương đương với cán bộ tỉnh, Trung ương không có khoảng cách. Sắp tới bí thư xã là tỉnh ủy viên, thậm chí là thường vụ…”, Phó Thủ tướng nêu.
Sáp nhập tỉnh khai thông nguồn lực
Đối với động lực tăng trưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ từ nông nghiệp-công nghiệp-du lịch. Động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, là AI, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nghiên cứu phát triển và những dịch vụ cao cấp...
“Bến Tre ngày xưa nghèo nhưng thế mạnh của họ là dừa và bao đời nay chỉ sử dụng cùi dừa và nước dừa. Nhưng ở Bến Tre bây giờ từ dừa người ta làm ra 220 sản phẩm như bánh trái, son, sữa dưỡng da, gội đầu rồi nước hoa rồi thuốc chữa bệnh… Còn thanh long của mình cũng đi khắp thế giới, rất hoan nghênh nhưng chỉ dừng lại việc bóc vỏ để ăn. Chúng ta phải suy nghĩ đầu tư khoa học công nghệ để giá trị trái thanh long gấp 3 lần hiện nay…”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo Phó Thủ tướng, Bình Thuận là tỉnh nhiều tiềm năng nhưng tiềm năng ngủ mãi và trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đánh thức tiềm năng này.
Do đó, Phó Thủ tướng, nhìn nhận sáp nhập tỉnh để tạo ra không gian phát triển, mở ra khai thông các nguồn lực để bứt phá.
Sàng lọc chất lượng cán bộ
Phó Thủ tướng cũng trăn trở Bình Thuận đang lãng phí các nguồn lực rất lớn trong 36 dự án tồn đọng.
“Lâm Đồng báo cáo Trung ương chỉ có 6 dự án, nhưng khi chúng tôi đến kiểm tra thì 202 dự án với số lượng mười mấy nghìn héc ta đắp chiếu nằm đấy. Rất có lỗi với dân để cho dân cày cấy trồng hoa quả còn có cái ăn. Bây giờ quy hoạch đưa vào dự án xong đắp chăn, đắp chiếu nằm đấy bao nhiêu năm rồi. Đối với 36 dự án ở Bình Thuận đã báo cáo đã hết chưa, lượng đất bao nhiêu; đã đầu tư như thế nào, nguồn lực của các dự án này và đặc biệt là với 36 dự án các đồng chí đề xuất giải pháp gì để giải quyết…”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.