Ngoài ra, lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với 6,4km cuối tuyến đã có trong quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Theo lãnh đạo địa phương, thời gian tới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, việc di chuyển từ các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng như các khu du lịch Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm đến sân bay này sẽ chủ yếu thông qua các tuyến đường hiện hữu, vốn đi qua nhiều khu vực đông dân cư, khu đô thị và có lưu lượng giao thông lớn. Điều này khiến tốc độ di chuyển bị hạn chế, khó kiểm soát thời gian hành trình do mật độ phương tiện dày đặc và hình thức khai thác hỗn hợp.
Vì vậy, việc đầu tư tuyến cao tốc kết nối trực tiếp sân bay Long Thành với Hồ Tràm là vô cùng cần thiết, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đối ngoại, đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch, dịch vụ theo hướng đẳng cấp quốc tế. Bởi hiện nay khu vực Hồ Tràm, vốn được mệnh danh là thiên đường du lịch biển phía Nam nếu có kết nối đến siêu sân bay Long Thành bằng một con đường lớn sẽ giúp du lịch tại đây vươn tầm, đón thêm nhiều khách.
Trước đó tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các đơn vị liên quan vào cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai nghiên cứu triển khai nhiều loại hình giao thông kết nối trực tiếp đến sân bay Long Thành.