Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó Bình Thuận có 156 km đường sắt với hai ga hành khách chính là ga Phan Thiết và ga Phan Rí. Tuyến đường sắt này được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 350 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 67,34 tỷ USD và dự kiến khởi công vào cuối năm 2027, hoàn thành vào năm 2035.
Ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng lập phương án kết nối các tuyến giao thông trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường ven biển, nhằm tạo hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây của tỉnh.
Hạ tầng hiện đại, thúc đẩy kinh tế - du lịch
Về phương án thiết kế, ga Phan Thiết và Phan Rí được quy hoạch theo mô hình hai tầng trên cao, với quảng trường rộng 5.600 m² phía trước và phía sau, tích hợp bãi đỗ xe buýt, taxi, ô tô, xe máy. Mỗi vị trí ga khách có ba khu chức năng: khu phục vụ đón, tiễn khách diện tích 6-8 ha, khu dịch vụ, thương mại diện tích 10-15 ha, khu đô thị dịch vụ diện tích 250-300 ha.
Tỉnh Bình Thuận sẽ sử dụng vốn đầu tư công để phát triển khu đón, tiễn khách, trong khi phần dịch vụ thương mại và khu phát triển TOD (Transit Oriented Development – mô hình đô thị tập trung quanh điểm giao thông công cộng) sẽ được kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao và tuyến đường bộ kết nối trung tâm TP Phan Thiết, Bình Thuận đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - du lịch và nâng cao đời sống người dân. Dự án này không chỉ giúp kết nối Bình Thuận với các trung tâm kinh tế lớn như TP HCM, Đồng Nai, Nha Trang, mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics, vận tải hành khách và hàng hóa, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trong khu vực.