Ngoài các hầm xuyên núi, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku còn bao gồm 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang, được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, đảm bảo độ bền và chất lượng lâu dài. Với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng gần 25m và vận tốc thiết kế 100km/h, tuyến đường được hoạch định để đáp ứng nhu cầu giao thông hiện đại.
Được biết, hiện việc kết nối bằng đường bộ từ Gia Lai xuống Bình Định chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 19. Mặc dù Quốc lộ 19 đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cấp III, tuy nhiên trên tuyến có 2 vị trí đèo An Khê và đèo Mang Yang quanh co, hiểm trở. Điều này khiến việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế, tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50 km/h, thời gian từ TP. Quy Nhơn (Bình Định) đến TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) mất tới 3,5 - 4 giờ.
Bên cạnh đó, theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 13.000 - 15.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm.
Nếu tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đưa vào khai thác sẽ giúp hành trình từ Gia Lai xuống cụm cảng biển ở Bình Định chỉ còn 1,5 giờ so với lưu thông bằng Quốc lộ 19 hiện hữu.
“Đây là tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, mở rộng không gian phát triển, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung”, ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá.
Ban Quản lý dự án 2 xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 38.917 tỷ đồng.