Sau khi rẽ trái từ Tân Lộ Kiều Lương, tất cả xe ô tô phải dừng lại mua vé tham quan với giá 20.000 đồng/người. Việc đặt trạm thu phí, thu phí tham quan và điều hướng phương tiện tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam bị cho là chưa phù hợp, gây nhiều bất cập và ý kiến trái chiều.
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Trương Hữu Tiền, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam khẳng định, việc thu phí tham quan là dựa trên Luật Thu phí và Lệ phí, Luật Di sản và Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh An Giang. “Ở đây có Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam”, ông Tiền nói.
Kết quả hoạt động được Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam thống kê: Năm 2020 thu phí 33,590 tỷ đồng; năm 2021 được 19,989 tỷ đồng (giảm do dịch Covid-19), năm 2022 thu 48,219 tỷ đồng, năm 2023 đạt 46,032 tỷ đồng và 40,748 tỷ đồng tính đến ngày 28/10/2024.
Theo ông Tiền, đơn vị được trích giữ 50% tổng nguồn thu hằng năm theo quy định và chi cho bốn hoạt động: Trả lương và các hoạt động chi thường xuyên (hơn 80 người), quỹ phát triển đơn vị, quỹ phúc lợi xã hội, quỹ khen thưởng. “Đến nay, Ban chưa có dự án đầu tư mới nào. Trước đó có một đơn vị ở TP.HCM đến ngỏ ý đầu tư chợ đêm trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam. Nhưng khi làm việc với UBND TP Châu Đốc thì phát hiện vị trí đề xuất vướng đến 3 quy hoạch”, ông Tiền nói.
TS Ngô Quang Láng, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang cho rằng, Ban quản lý khu du lịch quốc gia Núi Sam chưa có bất kỳ dự án đầu tư nào vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam thì không thể tổ chức thu phí vì như thế là chưa hợp lý.